PRODUCT LIST
COUNTER
- Have 1 Online
- have 119533 vitors
Thực phẩm Việt hút nhà đầu tư ngoại
Lí giải vì sao các nhà đầu tư ngoại lại liên tục đổ vốn vào ngành chế biến thực phẩm Việt Nam trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế TS.Bùi Quang Tín cho rằng, nguyên nhân là lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các nước, chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và châu Âu. Để tận dụng lợi thế của các hiệp định này, Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu 14 sản phẩm thực phẩm chế biến chủ lực trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trước đây đầu tư mạnh vào Trung Quốc, nhưng trước nền kinh tế Trung Quốc đang bất ổn, các nhà đầu tư nước ngoài đang có đối sách mới chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, nơi được đánh giá là có nhiều tiềm năng và cơ hội.
“Với làn sóng chuyển dịch này, thực sự là cơ hội cho Việt Nam để thu hút các lĩnh vực cần thu hút đầu tư mà Việt Nam còn đang yếu và thiếu. Cụ thể, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm hiện nay của người dân Việt, vì thế gần đây đã có làn sóng đầu tư về thực phẩm sạch, như mới đây Canada đang có ý định xuất heo sạch vào Việt Nam. Ngoài ra, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đang làm thủ tục thực hiện các dự án đầu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam”, TS Tín cho biết thêm.
Khảo sát của Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam cũng cho thấy, thực phẩm, đồ uống là ngành hấp dẫn đầu tư cao với các doanh nghiệp (DN) ngoại. Dự kiến năm nay, tổng số lượng giao dịch các thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam có thể đạt 600 giao dịch với tổng trị giá khoảng 6 tỉ USD. Đi đầu các thương vụ trong năm 2016 là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng chiếm 36,4% tổng trị giá. Trong đó, ngành sản xuất thực phẩm và bán lẻ có những thương vụ tỉ đô với sự tham gia của DN ngoại. Theo đó, tiêu thụ lương thực bình quân đầu người được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17,6% trong giai đoạn 2015 - 2019. Ngành thực phẩm đóng gói sẵn sẽ có tăng trưởng rất cao về sản lượng và doanh thu, ước tính lần lượt đạt 24,2% và 48,7%.
Thay đổi để đón cơ hội
Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư nước ngoài (FDI) mới chỉ tập trung vào các lĩnh vực rượu, bia, đồ uống… và ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong khi đó, các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm quan trọng khác chưa thu hút được nhiều, ít gắn kết với vùng nguyên liệu. Nhiều đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới nhưng ít tham gia lĩnh vực này ở Việt Nam. Nguyên nhân là đến giờ này, đa số nông sản thực phẩm được xuất đi dưới dạng tươi, thô hoặc sơ chế chứ chưa qua tinh chế, chế biến sâu nên lợi nhuận thu về còn rất thấp. Chưa kể, nguồn nguyên liệu nông, thủy sản Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu.
Ngoài ra, theo ông Quang, hầu hết DN mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, kỹ thuật, công nghệ để chế biến sâu. Song song đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng và phụ thuộc vào từng địa bàn cụ thể nên chưa thật sự “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư. Đó là lí do vì sao, khối DN FDI mặc dù mỗi năm rót vốn khá nhiều vào Việt Nam nhưng lại không mặn mà với lĩnh vực này. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam thu hút vốn FDI được gần 290 tỉ USD và giải ngân gần 160 tỉ USD, thế nhưng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm chỉ được 7,6 tỉ USD với 521 dự án.
Theo chuyên gia TS Bùi Quang Tín, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ môi trường đầu tư thông thoáng hơn để DN ngoại thấy được lợi ích đầu tư vào Việt Nam hơn gì với các nước khác. Song song đó, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư và DN phù hợp với luật pháp Việt Nam. Đồng thời, các DN sản xuất trong nước cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông, thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, Công ty Starbucks (Mỹ) bán cà phê Arabica có xuất xứ từ Cầu Đất, Đà Lạt tại hơn 21.500 cửa hàng Starbucks ở 56 quốc gia. Điều đó chứng tỏ, nguồn nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam hiện có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các hãng thực phẩm và đồ uống uy tín nhất trên thế giới. Do đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng các DN, tổ chức, địa phương của Việt Nam có nhu cầu thu hút FDI vào lĩnh vực này cũng cần chủ động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư kinh doanh.
Hải Yên
Tin mới hơn:
- 09/01/2017 08:56 - Đồng Tháp: Giá cá tra tăng, người nuôi vẫn cầm chừng
- 09/01/2017 08:54 - Tôm giống 2016: Thách thức và thành tựu
- 04/01/2017 08:52 - Hoàn thành bồi thường cho ngư dân trước Tết
- 04/01/2017 08:50 - Kiên Giang: Giá tôm nguyên liệu tăng
- 04/01/2017 08:50 - Kiên Giang: Giá tôm nguyên liệu tăng
Tin cũ hơn:
- 26/12/2016 08:36 - Gian nan dịch bệnh thủy sản
- 19/12/2016 09:25 - Bắc Giang: Liên kết tiêu thụ sản phẩm cá rô phi đạt chứng nhận VietGAP
- 19/12/2016 09:19 - Cá tra, bảy nổi ba chìm
- 27/10/2016 14:21 - Cá tra tăng giá, người nuôi chưa mừng
- 27/10/2016 14:19 - Nhiều chất cấm không còn phát hiện trong thủy sản